Hơn một năm trước vì yêu thích Đại Phong mà tôi tìm đọc tất cả các truyện chị viết. Dù vô tình hay cố ý thì đối với tôi mỗi một tác phẩm đến được với người đọc đều là do duyên phận. Tôi tin cái duyên phận trong truyện của Đại Phong, cũng tin vào duyên phận của mình và Long Duyên.
Long Duyên không phải đam mỹ, càng chẳng phải ngôn tình, không phải kiếm hiệp, lại cũng chẳng phải loại đấu khí, tu tiên. Nó đơn giản là những mảnh ghép duyên phận, giữa người với người, giữa phàm nhân và với thần tiên, và giữa thần tiên với nhau. Đối với tôi, Long Duyên đơn giản là một viên ngọc sáng, là một món quà mà khi đọc xong ta phải thốt lên rằng quá sảng khoái, cũng quá bi thương. Viết về Long Duyên, có lẽ tôi sẽ spoil thật ít, thật ít thôi vì duyên phận chính là cái phải tự mình cảm nhận, cũng tự mình lĩnh ngộ.

Long Duyên
Long Duyên, đơn giản như chính tên gọi của nó, tất cả đều được Đại Phong gói gọn trong một chữ “duyên”. Mà cái duyên của Lạc Việt – nhân vật chính của chúng ta và con rồng ngốc Chiêu Nguyên chính là nguồn cơn của những biến cố sau này.
Truyền thuyết kể rằng vận mệnh của triều đại dưới trần gian đều do 4 vị thần hộ mạch: Long thần, Phụng thần, Kì Lân thần và Quy thần nắm giữ. Mọi chuyện đều bình yên cho đến khi Phụng thần phải lòng một vị phi tần của Hoàng đế, bèn giúp con trai nàng ta giết anh đoạt ngôi. Cũng từ đó Phụng thần chiếm vị trí Long thần, bảo hộ cho Hoàng đế cùng triều đại dưới trần gian. Qua mấy trăm năm bị hắt hủi, bằng một “sự cố” cười ra nước mắt, Chiêu Nguyên – con rồng nhỏ còn chưa trưởng thành cứ như thế ngơ ngơ ngẩn ngẩn mà gánh vác sứ mệnh phục hưng Long tộc. Cơ duyên xảo hợp mà nó và Lạc Việt, cùng với một đám cả người lẫn thần, ù ù cạc cạc dắt nhau đi tranh giành nghiệp đế.
Quay lại với nhân vật Lạc Việt. Số mệnh của hắn chỉ có thể dùng hai chữ “tình cờ” mà mô tả. Hắn tình cờ bắt được một con rồng ngốc, tình cờ bị cuốn vào cuộc chiến giành ngôi vị, cũng tình cờ khám phá ra thân thế của chính mình. Một kẻ dung mạo cùng tài năng tầm thường, hoài bão duy nhất của hắn là trở thành một đại hiệp, cả đời hành tẩu giang hồ, trừ gian diệt ác. Đế vương, khanh tướng gì đó, hắn chẳng ngốc đến mức dính líu vào, cũng tuyệt nhiên không hứng thú. Thế rồi vô duyên vô cơ bị cuốn vào cuộc hành trình, đi đến cuối đường mới muộn màng lĩnh ngộ: thì ra bản thân hắn chỉ là một con cờ trong vòng xoáy tranh đấu mà thôi. Đến khi quay đầu nhìn lại, cũng nhận ra mình đã lún quá sâu. Lạc Việt đối với Chiêu Nguyên chính là “duyên”, tránh không được, bỏ cũng không nỡ. Chiêu Nguyên đối với Lạc Việt chính là vì ân tình mà cảm kích, vì biến cố mà gắn kết số mệnh. Người ta chê Chiêu Nguyên ngốc, kì thực nó chính là quá đơn thuần, dùng chân tâm của mình để đối đãi với người khác. Người ta cũng chê Lạc Việt ngốc, kì thực hắn chính là qua bao nhiêu đổi thay cùng số mệnh vẫn không đổi sơ tâm. Hành trình của bọn họ vì duyên mà bắt đầu, vì duyên mà gắn kết, cũng vì duyên mà khép lại. Kiếp người ngắn ngủi, mấy chục năm chỉ là cái chớp mắt của thần tiên, tại sao Lạc Việt hắn cứ nhất quyết phải già đi, nhất quyết rời xa bọn họ? Lâm Tinh không hiểu, cũng không cam tâm nhưng con rồng mà cô vẫn hay chê ngốc lại rõ ràng hơn ai hết. Chiêu Nguyên không đi tìm chuyển thế của Lạc Việt bởi y hiểu: “Kiếp sau có duyên hay không, phải xem liệu có may mắn hay không, cũng không cần cưỡng cầu”. “Mấy trăm năm đời người chìm nổi chỉ như một cái búng tay, non xanh nước biếc rốt cuộc cũng gặp lại, bất kể thượng giới nhân gian. Long Duyên bắt đầu từ đây, kết thúc cũng ở đây.”
Phụng Duyên
Phụng hoàng tâm tư thâm trầm. Phụng hoàng tàn nhẫn, âm hiểm. Tôi luôn ngạc nhiên khi hết lần này đến lần khác những kẻ được cho là đáng sợ kia lại bỏ qua cho Lạc Việt cùng Chiêu Nguyên. Bọn chúng đang suy tính những mưu kế nào đó hay đơn giản là chẳng thèm để “đám ô hợp” vừa thần vừa người kia vào mắt?
Có một sự thật rằng: bất luận là người hay thần tiên ma quỷ, đều không thể nào thoát được cái gọi là số mệnh. Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Tống Dao trong Đào Hoa Trái: “Hoá ra duyên phận chính là như vậy, chẳng qua là một món nợ phải trả.” Ai có ơn, ai mắc nợ, qua mấy trăm, thậm chí cả hàng ngàn năm, tất thảy đều không thoát khỏi bàn tay của tạo hoá. Tôi tự hỏi rất nhiều lần rằng những điều Phụng Quân làm là đúng hay sai. Giả như Phụng Ngô không nhìn thấy tương lai trong tấm gương kia, liệu kết cục cuối cùng có khác đi không? Một điều buồn cười là nếu như người phàm cố chấp đảo ngược thiên mệnh thì những vị thần tiên kia lại cho rằng mình làm tất cả đều vì theo ý trời. Thực tình cũng đều ngốc như nhau. Tôi không trách Cửu Lăng lừa Lạc Việt, tôi chỉ buồn cho câu chuyện của 2 người. Cửu Lăng đã bỏ lại cái “thiên mệnh” mà hắn vẫn luôn tin tưởng để chọn Lạc Việt, chẳng lẽ tất cả chỉ là giả dối cùng lợi dụng? Hắn nhờ Lạc Việt mà tồn tại thêm hai mươi mấy năm. Hai mươi mấy năm, chẳng qua chỉ như một gió thoảng trong cuộc đời đằng đẵng của một vị thần, đến cuối cùng lại là những tháng ngày hắn lưu luyến nhất. Cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn nối tiếp nhau. Ai đúng, ai sai vốn chẳng thể phân định rạch ròi. Tôi chỉ cảm thương cho một Cửu Lăng như thế, ôn nhuận mà âm trầm. Toan tính thì sao? Không toan tính thì sẽ thế nào? Tất thảy đều không quan trọng nữa. Tình cảm vốn là một thứ đơn thuần, có thể dùng tính mạng của mình bảo hộ người kia bình an thì đã là cả đời không hối tiếc.

Mỗi duyên giữa Long và Phụng
Nếu phải chọn một nhân vật mà tôi yêu thích nhất bên cạnh dàn nhân vật chính, chắc hẳn tôi sẽ dành ưu ái cho Cửu Dao. Vì sao ư? Đơn giản lắm, chẳng qua tôi vẫn luôn ấn tượng với mấy anh có chút dở hơi :)))) Đường đường là Thanh Phụng sứ quân, hắn là một con chim da mặt cũng khá dày, có thể dõng dạc tuyên bố mình lười tắm, cũng có thể tùy tiện ngủ trên mặt đất. “Bản tộc có rất nhiều phụng hoàng, thể nào chẳng có một vài con ở bẩn, ví dụ như tại hạ đây”
Đâu chỉ có thế, con phụng hoàng này còn đặc biệt ngại phiền phức và thích tiêu dao. Trước đây hắn vẫn tự cho rằng “Trong tam giới chỉ cần không phải ma vật, thì đều là bạn của tại hạ.” Ứng Trạch lại nói với hắn: “Sứ quân không hiểu thế nào là bằng hữu thực sự đâu”. Cửu Dao đương nhiên không hiểu, cũng chẳng thể nào cảm nhận được một câu: “A Mộc là huynh đệ của ta.” người kia thốt ra vốn mang bao phần tâm tư phiền muộn.
Ứng Trạch dùng mạng sống để bảo vệ người quan trọng nhất đối với hắn. Giao phó Ứng Mộc cho Cửu Dao, cũng chính là hắn đang giao lại nhân duyên của mình. Ngàn năm sau, Cửu Dao hắn không còn là Sứ quân còn người kia đã vĩnh viễn không còn tồn tại. Thế nhưng “duyên” chính là thứ qua ngàn năm vẫn không thể cắt bỏ, dù âm thầm nhưng sợi dây vận mệnh của 2 kẻ đó vẫn vĩnh viễn nối với nhau. Ứng Mộc tin Khanh Dao, tin lời hắn nói, rằng chỉ cần có bằng hữu, có rượu ngon, sống một đời tiêu dao tự tại chính là điều tốt đẹp nhất. Những chuyện trước kia Ứng Mộc có thể mơ hồ nhưng có lẽ cái mong muốn có thể cùng tri kỉ bên nhau, sống tuỳ ý, phóng khoáng, mặc kệ thiên địa trời đất vẫn luôn âm ỉ trong tim. Trái tim của Ứng Long nằm ở chính giữa, cả đời ngay thẳng, dùng chân tâm để đối đãi với người kia. Cũng bởi thế mà khi bị chính kẻ mà mình trân trọng nhất phản bội, hắn qua rất lâu, rất lâu vẫn không cam lòng, vẫn luôn luôn muốn gặp lại Khanh Dao, không phải để trả thù hay đoạt mạng, hắn đơn giản chỉ muốn hỏi kẻ đó một câu: “Rốt cuộc là vì sao?”
Ứng Mộc đối với Khanh Dao cố chấp như vậy, còn Khanh Dao đối với Ứng Mộc, hay ứng Trạch, tôi đã tự hỏi kẻ mà y thực sự lưu luyến là ai? Thế nhưng có lẽ vào cái thời khắc Ứng Mộc thoát ra khỏi phong ấn, đứng trước mặt hắn xưng danh tính, hắn đã ngộ ra: suy cho cùng cũng chỉ là một cái tên mà thôi. “Kiếp này được làm bằng hữu của huynh chính là điều may mắn nhất của ta”. Câu nói này là dành cho Ứng Mộc, cũng là cho Ứng Trạch của trăm năm trước. Thực tế dù là Ứng Trạch hay Ứng Mộc, dù vận mệnh được hoán đổi hay tiếp nối, bản chất vẫn không thoát nổi một chữ “duyên”. Sợi dây kết nối giữa rồng và phụng nổi bật trên toàn bộ nền của câu truyện, đứng giữa bối cảnh ân oán giữa 2 tộc không hề tạo nên sự tương phản mà kết hợp với mạch chính một cách hài hoà và hoàn hảo. Họ hiện lên chỉ qua đôi ba lời kể, đôi ba sự kiện xen kẽ cùng phiên ngoại ngắn ngủi. Thế nhưng với tôi, nó vẫn quá ấn tượng, quá tiếc nuối, cũng quá xót xa.
Và…tôi có thể khẳng định rằng trong Long Duyên, đó không phải là nỗi xót xa duy nhất. Tôi vẫn luôn thương cảm cho Phụng Ngô cùng vị hoàng đế cuối cùng của Ứng triều. Một kẻ luôn ngưỡng mộ cùng khát khao được người kia công nhận, một kẻ lại quá cố chấp, luôn cho rằng đối phương chỉ là một quân tốt trong ván cờ không đáng để lưu tâm. Phụng Ngô coi thường Hoàng đế vô dụng, kì thực lại không biết kẻ ngốc đó vì ai thân thể mới trở nên bệnh tật yếu đuối. Hắn cũng không ngờ được rằng vào thời khắc người kia ra đi, bản thân mình lại thấy thương tâm nhường ấy. Nỗi đau này chắc chắn không phải vì hắn đang tiêu tan, cảm giác trước khi chết đi, chẳng thể nào là tê tâm liệt phế. Phụng Ngô bỗng nhớ đến rất nhiều năm về trước, lần đầu tiên hắn cảm thấy làm một vị thần hộ mạch thực ra cũng rất tốt…
Nhân quả trong truyện của Đại Phong vẫn luôn như vậy, nó vi diệu, nó là tất yếu, nó đưa cho người đọc những bất ngờ, nó cũng đem lại nhiều nỗi xót xa. Những nhân vật chính trong câu truyện chẳng có ai trực tiếp gieo nhân tạo nghiệp, hà cớ gì mà họ phải chịu quả đắng của các bậc tiền nhân? Câu truyện kết thúc, tôi vẫn luôn tự hỏi liệu chúng ra có thể tránh được cái gọi là thiên mệnh kia không? Rất lâu sau này tôi cũng có câu trả lời cho chính mình: bản thân mỗi con người sinh ra vốn chính là kết quả của những lựa chọn và hành động của cha mẹ, tổ tiên mình trước đó. Sự tồn tại của ta, chính là sợi dây tiếp tục kéo dài thêm duyên phận cùng tiền căn hậu quả. Một khi ta còn hiện hữu trên cuộc đời, còn lưu lại một sợi dây duyên trên thế gian này, cái được gọi là nhân quả kia sẽ vĩnh viễn sẽ không thể nào bị cắt đứt. Long Duyên không chỉ đơn thuần là câu truyện về duyên phận cùng nhân quả. Không đơn thuần, nhưng thực ra lại rất đơn giản. Long Duyên, chính là một câu truyện về cách làm người.
Ps: Tôi không tìm được fan art nào của Long Duyên. Có phải vì nó đặc biệt nên sẽ kén người đọc hơn không? Tôi thấy hơi tiếc cho một viên ngọc quý, đồng thời cũng thấy may mắn vì hơn tất cả, tôi đối với Long Duyên chính là có với nhau một chữ “duyên”.
One thought on “Cảm nhận về Long Duyên của Đại Phong Quát Quá”